Tỉnh Gyeonggi-do kỷ niệm 1 năm thành lập Cục Lao động, thực hiện 5 chiến lược lớn vì “Xã hội công bằng và tôn trọng lao động”

Đã tạod 2020-08-12 Số lượt truy cập 113

Nội dung

○ Tại cuộc họp báo online ngày 12, tuyên bố tầm nhìn mới “Xã hội công bằng và tôn trọng lao động” và phát biểu “Kết quả hoạt động sau 1 năm thành lập và phương hướng hoạt động của Cục Lao động”

○ Thực hiện 5 chiến lược lớn vì “Xã hội công bằng và tôn trọng lao động”

Chính quyền dân cử kỳ thứ 7 của tỉnh Gyeonggi-do đã đưa ra cam kết bầu cử chính yếu là xây dựng “Gyeonggi-do – nơi lao động được tôn trọng”, Gyeonggi-do là chính quyền địa phương đầu tiên của Hàn Quốc thành lập Cục Lao động, đến nay đã được 1 năm.

Cục đã tiến hành thực hiện rất nhiều chính sách, chương trình đa dạng, bắt đầu từ thay đổi khái niệm “làm việc” mang nội hàm làm việc phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động theo giá trị “Ức cương phụ nhược” (hạn chế người mạnh, giúp đỡ người yếu”) thành “lao động” – theo nghĩa thực hiện quyền lao động một cách chủ động, và đi đến thành lập Trung tâm quyền lao động, xử lý vấn đề sa thải tập thể các tiếp viên người Hàn của hãng hàng không China Eastern, cải thiện điều kiện nghỉ ngơi của nhân viên vệ sinh, nhân viên bảo vệ, người lao động trên các nền tảng (platform), chi trả bồi thường tổn thất thu nhập khi nghỉ phép do ốm đau. Nối tiếp những điều này, Cục đã tổ chức buổi nhìn lại kết quả trong thời gian vừa qua và phát biểu phương hướng hành động sắp tới.

Ông Kim Kyu Shik – Cục trưởng Cục Lao động tỉnh Gyeonggi-do đã tổ chức họp báo online vào ngày 12 vừa qua tại Văn phòng chính phủ phía bắc tỉnh Gyeonggi-do, phát biểu “Lễ tuyên bố tầm nhìn chính sách lao động tỉnh Gyeonggi-do” và “Kết quả hoạt động sau 1 năm thành lập và phương hướng hoạt động của Cục Lao động”.

Cục trưởng Cục Lao động Kim Kyu Shik cho biết “Dịch Covid 19 đã dẫn đến những thay đổi về lượng và chất của lao động như các dịch vụ không gặp mặt nở rộ, số người lao động của các platform gia tăng, sinh kế của những người lao động tầng lớp yếu thế mất ổn định” và “những tai nạn công nghiệp như vụ hỏa hoạn kho hàng Icheon-Yongin đã liên tiếp lấy đi sinh mạng của nhiều người lao động, chính quyền địa phương đang đối mặt với hiện thực đáng tiếc đó là thiếu quyền giám sát”.

Cục trưởng Kim nói thêm “Chính quyền dân cử kỳ thứ 7 của tỉnh Gyeonggi-do thành lập ra Cục Lao động, đã và đang góp phần gia tăng quyền lợi lao động, giải quyết những điểm mù về quyền lao động phù hợp với môi trường lao động đang biến đổi” và “thời gian tới sẽ tiếp tục xúc tiến sự đổi mới về cấu trúc của chính sách lao động. Từ đó tìm kiếm, thực hiện các chương trình đa dạng giúp đẩy nhanh việc xây dựng một xã hội tôn trọng lao động.”.

Theo đó, tỉnh Gyeonggi-do xác lập tầm nhìn chính sách lao động của chính quyền dân cử kỳ thứ 7 là “Xã hội công bằng và tôn trọng lao động”, đặt ra chiến lược trên 5 lĩnh vực ① tăng cường phân quyền lao động, ② tạo lập nơi lao động an toàn, ③ thực hiện phúc lợi lao động chặt chẽ, ④ mở rộng và đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi lao động, ⑤ kích hoạt bộ máy quản trị lao động, từ đó thực hiện đa dạng các chính sách và chương trình.

◆ Tăng cường phân quyền lao động: càng chia sẻ thì quyền lao động càng lớn thêm

Đầu tiên, để bảo về quyền lao động của tầng lớp yếu thế và tối thiểu hóa điểm mù về an toàn hiện trường lao động, tỉnh đang thực hiện “chia sẻ quyền hạn giám sát lao động” giữa Trung ương và chính quyền địa phương. Tỉnh giải thích rằng chính quyền địa phương nắm bắt rõ tình hình địa bàn, có khả năng hành chính tổng hợp nên nếu phân rõ vai trò và đẩy mạnh hợp tác thì có thể thực hiện giám sát lao động chặt chẽ hơn. Để làm được điều này, phương châm của tỉnh là trao đổi, hợp tác với các cơ quan liên quan như Quốc hội, Bộ Lao động và tuyển dụng nhằm tiếp tục sửa đổi Luật Tiêu chuẩn lao động, chuẩn bị cơ sở thể chế cho việc chia sẻ quyền hạn giám sát lao động.

Tỉnh cũng tích cực nỗ lực để thành lập ra “Sở lao động và tuyển dụng Gyeonggi-do”. Mặc dù tỉnh Gyeonggi-do là khu tự trị lớn nhất ở Hàn Quốc nhưng các công việc hành chính về lao động lại không có cơ quan độc lập mà được quản lý bởi Sở lao động và tuyển dụng miền Trung chung với thành phố Incheon và tỉnh Gangwon. Nếu “Sở lao động và tuyển dụng Gyeonggi-do” được thành lập, sẽ không chỉ cải thiện chất lượng tiếp cận dịch vụ hành chính về lao động và tuyển dụng của người dân tỉnh mà còn tạo nên một thể chế hợp tác có hệ thống, hiệu quả giữa chính quyền tỉnh và Sở lao động, cung cấp dịch vụ hành chính về lao động và tuyển dụng phù hợp với đặc thù địa phương và nhu cầu hành chính của riêng tỉnh Gyeonggi-do.

◆ Tạo lập nơi lao động an toàn: hãy phá vỡ chuỗi tai nạn công nghiệp

Để “tạo ra nơi làm việc an toàn”, tiếp tục mở rộng dần tổ chức kiểm tra quản lý an toàn phòng chống tai nạn công nghiệp tức “Tổ an toàn lao động”, tối thiểu hóa điểm mù về an toàn lao động tại cơ sở sản xuất công nghiệp, thực hiện phương án tăng cường các chế tài đối với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phát sinh tai nạn lớn như đề nghị xây dựng Luật về xử phạt doanh nghiệp phát sinh tai nạn lớn, lập tiêu chuẩn đánh giá khi xét duyệt doanh nghiệp vừa và nhỏ triển vọng để loại trừ những doanh nghiệp phát sinh tai nạn lớn.

Xây dựng, điều hành “Thể chế cơ bản quản lý thường xuyên phòng chống tai nạn công nghiệp”. Bắt đầu từ năm nay các chuyên gia thuộc các giới các tầng lớp sẽ tham gia và xây dựng “Hội đồng an toàn lao động” phụ trách việc tư vấn chính sách, kiểm tra, đề ra giải pháp; thành lập “Hội đồng các bộ phận về tai nạn công nghiệp” tạo ra hoạt động hành chính không có vách ngăn giữa các bộ phận trong chính quyền tỉnh để có thể chuẩn bị những đối sách một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Cùng với đó, tập trung xây dựng cơ chế phòng chống tai nạn công nghiệp mang định hướng tương lai, phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như “Giáo dục phòng chống tai nạn công nghiệp kỹ thuật số bằng trải nghiệm thực tế ảo”, “Xây dựng hệ thống kiểm tra an toàn công trường xây dựng sử dụng CNTT”.

◆ Thực hiện phúc lợi lao động chặt chẽ: nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động tầng lớp yếu thế

Chính quyền dân cử kỳ thứ 7 đã xây dựng “Kế hoạch tổng hợp cải thiện tuyển dụng lao động không chính thức giai đoạn 2018-2022” để bảo vệ quyền lợi của người lao động không chính thức, đang thực hiện 23 đề tài, trong đó có đề tài giảm lao động không chính thức trong lĩnh vực công, cải thiện môi trường tuyển dụng khu vực tư nhân. Theo đó, cho đến nay, tỉnh đã chuyển đổi 1.687 người tức 87% của 1.950 người lao động không chính thức khu vực công thành lao động chính thức, mục tiêu hoàn tất chuyển đổi trong nửa cuối năm nay.

Ngoài ra, xúc tiến nâng cao sự ổn định sinh hoạt của người lao động và chất lượng cuộc sống thực tế bằng việc vận hành “Chế độ lương sinh hoạt” phản ánh chi phí cư trú, chi phí giáo dục. Năm nay, tỉnh đã nâng lương cơ bản tối thiểu 21% từ 8.590 won lên 10.364 won, mở rộng việc áp dụng chế độ đến khu vực tư nhân bằng cách tặng điểm thưởng cho các doanh nghiệp chi trả lương sinh hoạt trong số các doanh nghiệp có nguyện vọng tham gia các hợp đồng công.

Tỉnh cũng là nơi đầu tiên ở Hàn Quốc áp dụng “trợ cấp bồi thường về bất ổn định tuyển dụng” nhằm mục đích ổn định tuyển dụng lao động không chính thức. Thời gian hợp đồng càng ngắn thì tính bất ổn định của tuyển dụng càng lớn, chương trình này chi trả chênh lệch về bồi thường tỉ lệ thuận với thời gian làm việc, thông qua tham vấn của Hội đồng tỉnh, sẽ được phản ánh vào “Hướng dẫn cụ thể về xây dựng ngân sách năm 2021” và bắt đầu thi hành từ năm sau.

Tỉnh cũng đi đầu trong việc cải thiện điều kiện nghỉ ngơi của tầng lớp yếu thế như người lao động của các platform, người lao động chân tay. Tính đến năm sau, tỉnh sẽ thành lập 13 trạm nghỉ ngơi dành cho người lao động không cố định tại các vùng điểm, còn năm nay, tỉnh hỗ trợ cải tiến phòng nghỉ của các lao động chân tay như nhân viên vệ sinh, bảo vệ tại 10 trường đại học. Ngoài ra, bắt đầu từ năm nay, tỉnh cũng nỗ lực đảm bảo quyền nghỉ ngơi, thực hiện “Dự án hỗ trợ chi phí nghỉ phép” chi trả 250 nghìn won chi phí nghỉ phép cho người lao động không chính thức, người lao động hình thức đặc biệt.

Cùng với đó, tỉnh áp dụng “Chế độ ngân sách hướng đến người lao động tỉnh Gyeonggi-do”, phân tích phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả, kết quả của chính sách lao động, tạo ra khung phân tích khách quan và phản ánh ngay từ bước lập dự toán ngân sách. Để đạt được điều này, tỉnh đang thực hiện các công việc liên quan từ tháng 8 năm nay.

◆ Mở rộng và đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi lao động đáp ứng môi trường lao động đang thay đổi

Để có thể xử lý một cách linh hoạt vấn đề lao động đang thay đổi một cách nhanh chóng, tỉnh liên kết với các trung tâm tư vấn lao động, trung tâm hỗ trợ lao động không chính thức tại các thành phố, huyện, trọng tâm là “Trung tâm quyền lao động tỉnh Gyeonggi-do” và đang thực hiện dự án hợp tác trên các lĩnh vực như quản lý lao động nông thôn, giáo dục quyền lao động. Đặc biệt, đáp ứng xu hướng mở rộng của ngành dịch vụ, tỉnh đang thực hiện “Dự án hỗ trợ điều trị tâm lý người lao động cảm xúc và người bị sa thải” để giúp đỡ tư vấn, điều trị, cứu giúp những người lao động cảm xúc, người lao động bị sa thải.

Từ năm nay, người lao động yếu thế lập ra các nhóm tự giúp đỡ dựa trên sự giống nhau theo từng nghề nghiệp, khu vực, thực hiện “Dự án tổ chức hóa người lao động yếu thế” để phát triển các nhóm lên thành tổ chức đại diện quyền lợi, trong năm nay, tỉnh đã hỗ trợ 3 nhóm, từ năm sau sẽ hỗ trợ từ 2 nhóm trở lên có thể thành lập tổ chức.

Ngoài ra, tận dụng nhóm “Những người hỗ trợ quyền lao động” để triển khai các hoạt động đa dạng giúp tuân thủ Luật quan hệ lao động như điều tra khảo sát, các chiến dịch hướng đến người lao động là thanh thiếu niên ở các điểm kinh doanh nhỏ và làm ngắn hạn.

Ngoài ra, bắt nhịp xu hướng chính sách kinh tế mới kỹ thuật số chuẩn bị cho thời đại hậu Covid 19, tỉnh có kế hoạch phát triển “Platform tư vấn luật lao động kỹ thuật số” để tư vấn bằng hình thức không gặp mặt trực tiếp, thông qua điện thoại thông minh từ năm sau.

◆ Kích hoạt bộ máy quản trị lao động: đẩy mạnh hợp tác để đảm bảo quyền lao động

Đẩy mạnh hợp tác chính sách lao động giữa trung ương-thành phố-địa phương như “Tổ chức hội nghị mạng lưới giữa thành phố và địa phương”, “Kích hoạt hội đồng chính sách dân sự lao động”, nỗ lực “thành lập bộ máy quản trị lao động” để tạo ra mối quan hệ lao động và chủ cùng có lợi. Ngoài ra khi thành phố, quận, đoàn thể lao động tiến hành chính sách lao động phản ánh đặc trưng của địa phương, năm nay, tỉnh Gyeonggi-do bắt đầu thực hiện liên danh 12 cơ sở “Chương trình hợp tác lao động hình thức tham gia tại địa phương” để hỗ trợ việc này.

Ngoài ra phương châm của tỉnh là xử lý tích cực các vấn đề lao động hiện nay như xây dựng “Mối quan hệ hợp tác giữa chủ và người lao động”, áp dụng chế độ tuần làm việc 52 giờ, phân lập công việc với gia đình bằng cách tìm đến tầng lớp lao động yếu thế, những điểm kinh doanh nhỏ và vừa để thực hiện tư vấn, chương trình cân bằng cuộc sống và công việc của người lao động. Ngoài ra, xem xét sâu sắc các vấn đề hiện tại của chính sách lao động thông qua các chương trình đa dạng như thảo luận tại Quốc hội, thảo luận cùng chuyên gia, hội thảo mời chuyên gia, tạo cơ hội hình thành chính sách phù hợp với thực tiễn.

Cục trưởng Cục Lao động Kim Kyu Shik cũng cho biết “Chính quyền dân cử kỳ thứ 7 tỉnh Gyeonggi-do đã coi trọng khái niệm “lao động” nhấn mạnh đến tính chủ động của lao động thay cho khái niệm “làm việc”, tập trung đảm bảo cho người lao động được bảo vệ phần lao động chính đáng của mình” và “thời gian sắp tới, sẽ tích cực nỗ lực thực hiện một xã hội công bằng và tôn trọng lao động trên nền tảng hợp tác giữa chủ và người lao động và sự trao đổi thấu hiểu tại doanh nghiệp”.