Khu buôn bán ngõ hẻm tỉnh Gyeonggi-do có sống lại trước Trung thu? Chính quyền tỉnh công bố hỗ trợ “Nội tệ địa phương giới hạn” với ưu đãi đặc biệt lên đến 25%
Đã tạod 2020-09-10 Số lượt truy cập 121
Nội dung
○ Ngày 9, Tỉnh trưởng Lee Jae-myung và ông Jang Hyun Guk, Chủ tịch nghị viện tỉnh Gyeonggi-do phát biểu kế hoạch hỗ trợ ưu đãi nội tệ địa phương phiên bản giới hạn để vực dậy kinh tế mùa Trung thu
○ Từ ngày 18/9 (dự kiến), chính quyền tỉnh chi thêm 15% ngoài mức ưu đãi 10% hiện nay cho nội tệ địa phương Gyeonggi phiên bản giới hạn 200 nghìn won
– Từ ngày 18 trở đi khi nạp 200 nghìn won sẽ được nhận ngay 20 nghìn won. Đến ngày 17/11, nếu sử dụng hết 200 nghìn won sẽ được nhận thêm 30 nghìn won
○ Đối tượng là tất cả người dân tỉnh có thẻ hoặc app mobile nội tệ địa phương Gyeonggi. Thực hiện đến khi hết ngân sách 100 tỷ won
– Chính quyền tỉnh dự kiến sẽ có khoảng 3.330.000 người dân, mỗi người được nhận ưu đãi nội tệ địa phương 30 nghìn won, kỳ vọng tăng chi tiêu tiêu dùng lên đến khoảng 830 tỷ won
○ Nghị viện tỉnh Gyeonggi-do đề nghị dự án thúc đẩy phát triển kinh tế tận dụng ưu đãi nội tệ địa phương và chính quyền tỉnh đã tiếp nhận.
Chính quyền và nghị viện tỉnh Gyeonggi-do nhằm vực dậy kinh tế mùa Trung thu sẽ đưa ra ưu đãi nội tệ địa phương phiên bản giới hạn (tiền hỗ trợ tiêu dùng) ở mức cao nhất từ trước đến nay là 25%, người dân chỉ cần nạp 200 nghìn won là có thể sử dụng đến 250 nghìn won. Đây là chính sách kinh tế phòng dịch thứ hai chỉ riêng của tỉnh Gyeonggi-do, tiếp nối theo chính sách trợ cấp thảm họa thu nhập cơ bản đã thực hiện vào tháng 4 vừa qua.
Ông Lee Jae-myung, Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi-do và ông Jang Hyun Guk, Chủ tịch nghị viện tỉnh Gyeonggi-do, cùng ông Park Geun Cheol, nghị sĩ Đảng Dân chủ đồng hành thuộc nghị viện tỉnh Gyeonggi-do đã mở cuộc họp báo khẩn chung vào sáng ngày 9 tại tòa thị chính tỉnh Gyeonggi-do, phát biểu kế hoạch phát hành “nội tệ địa phương (tiền hỗ trợ tiêu dùng) phiên bản giới hạn để vực dậy kinh tế mùa Trung thu” với những nội dung như trên.
Ông Lee Jae-myung, Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi-do phát biểu “Mao mạch của nền kinh tế dân sinh là tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ đã phải hứng chịu “cú đấm trực tiếp” nặng nề. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì không thể tránh khỏi vòng tròn luẩn quẩn của chênh lệch thu nhập tăng cao đến mức cực đoan, nhu cầu tiêu dùng cạn kiệt, kinh tế trì trệ”, và “Ý thức được nguy cơ này, trước lễ Trung thu, để hồi sinh kinh tế ngõ hẻm đang rơi vào khủng hoảng cực đoan, chính quyền và nghị viện tỉnh Gyeonggi-do đã cùng nhau lên phương án thúc đẩy tiêu dùng tận dụng ưu đãi nội tệ địa phương”.
Theo đó, ngoài phần ưu đãi cơ bản 10% trên số tiền nội tệ Gyeonggi nạp vào, từ ngày 18/9 (dự kiến) sẽ phát hành nội tệ phiên bản giới hạn trị giá 200 nghìn won, ưu đãi thêm 15% tương đương với 30 nghìn won. Tức là khi nạp 200 nghìn won, ngoài phần hỗ trợ 20 nghìn won (10%), nếu sử dụng hết số tiền trong vòng 2 tháng sẽ được hỗ trợ thêm 30 nghìn won (15%), tổng cộng hỗ trợ 25% tương đương 50 nghìn won. Nếu sử dụng ít hơn 200 nghìn won thì sẽ không có phần hỗ trợ 15% và sử dụng từ 200 nghìn won trở lên thì được hỗ trợ tối đa 30 nghìn won.
Nội tệ địa phương phiên bản giới hạn được cấp cho tất cả người dân trong tỉnh bằng thẻ hoặc thông qua app nội tệ tỉnh Gyeonggi-do theo thứ tự ai nạp trước được trước cho đến khi hết ngân sách. Để nhận ưu đãi tiền hỗ trợ tiêu dùng bằng nội tệ địa phương phiên bản giới hạn, phải tiêu dùng tối thiểu 200 nghìn won tính từ ngày 18/9 đến 7/11.
Ưu đãi cơ bản (10%) vẫn được chi trả ngay lập tức khi nạp tiền như trước, còn tiền hỗ trợ tiêu dùng phiên bản giới hạn có mục đích kích cầu tiêu dùng sẽ được chi trả vào ngày 26/10 hoặc 26/11 sau khi xác nhận đã sử dụng hết 200 nghìn won trở lên. Tiền hỗ trợ lần sau (15%, 30 nghìn won) sẽ hết hiệu lực sau 1 tháng kể từ ngày nhận nên phải sử dụng trong thời hạn này.
Lần này, tỉnh Gyeonggi-do sử dụng 100 tỷ won ngân sách cho ưu đãi nội tệ địa phương, dự đoán nếu thực hiện như kế hoạch thì 3.330.000 người sử dụng nội tệ Gyeonggi sẽ được hưởng ưu đãi. Chính quyền tỉnh kỳ vọng doanh thu tiêu dùng của tiểu thương khu vực kinh tế ngõ hẻm sẽ tăng 830 tỷ won, kéo theo phát triển sản xuất, tuy nhỏ nhưng việc này có thể “hô hấp nhân tạo” cho nền kinh tế đang chững lại.
Lần hỗ trợ nội tệ phiên bản giới hạn này được bắt đầu sau khi nghị viện tỉnh Gyeonggi-do đề xuất lên chính quyền tỉnh dự án thúc đẩy nền kinh tế giúp các tiểu thương gặp khó khăn vì COVID 19. Chính quyền tỉnh chấp thuận ý kiến của nghị viện và đã chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ nội tệ địa phương phiên bản giới hạn để thúc đẩy kinh tế mùa Trung thu. Dự kiến tỉnh sẽ bàn bạc với nghị viện tỉnh để có thể chuẩn bị tài chính quy mô 100 tỷ won cần thiết cho dự án.
Ông Jang Hyun Guk, Chủ tịch nghị viện tỉnh Gyeonggi-do phát biểu “Kinh tế địa phương đi xuống vì COVID 19, tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ đang phải trải qua những khó khăn về sinh kế. Để vượt qua khủng hoảng này, sau khi bàn bạc với chính quyền tỉnh, chúng tôi đã quyết định thực hiện hỗ trợ nội tệ địa phương phiên bản giới hạn”, và “Nhìn dưới góc độ cá nhân, số tiền 30 nghìn won là khá nhỏ, nhưng cùng với sự hợp lực của toàn dân trong tỉnh sẽ có thể mang đến hiệu quả kích cầu tiêu dùng lên đến 1.000 tỷ won. Hi vọng người dân sẽ trực tiếp chung tay vực dậy nền kinh tế bằng cách đăng ký nội tệ địa phương phiên bản giới hạn”.
Ông Park Geun Cheol, nghị sĩ Đảng Dân chủ đồng hành thuộc nghị viện tỉnh Gyeonggi-do cho biết “Theo khảo sát tiểu thương toàn quốc của Liên hiệp tiểu thương, sau khi dịch COVID 19 tái bùng phát, có đến 60% trả lời doanh thu đã giảm hơn 90%, tình hình hết sức khó khăn”, và “Tôi nghĩ rằng hỗ trợ tiêu dùng lần này đóng vai trò vô cùng quan trọng để máu có thể chảy lại vào mao mạch nền kinh tế đã bị đứt đoạn”.
Tỉnh trưởng Lee cũng nhấn mạnh “Có thể sẽ có người phê phán chính sách thúc đẩy kinh tế gây trở ngại cho việc phòng dịch, nhưng phòng dịch kinh tế cũng quan trọng như phòng dịch y tế. Trong chiến tranh, chúng ta cũng phải chi tiêu cho đời sống tối thiểu, thương nhân phải buôn bán mới có thể sinh sống”, và “Vì phòng dịch kinh tế chính là bổ trợ thêm cho phòng dịch y tế, nên hãy cho tất cả thấy chúng ta tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc phòng dịch ngay cả trong hoạt động tiêu dùng và phòng dịch kinh tế cùng với phòng dịch y tế có thể tồn tại song song như thế nào”.